Anh Tú làm lập trình viên hơn 10 năm nay, mỗi ngày ngồi máy tính 8 tiếng tại công ty, tối về nhà xử lý thêm công việc. Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho rằng anh Tú bị cong vẹo cột sống do đặc thù công việc ngồi nhiều.
Còn chị Nhi, 31 tuổi, nhân viên chăm sóc khách hàng, bị đau cổ vai gáy nhiều tháng nay, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) ghi nhận cong vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm mức độ nặng chèn ép dây thần kinh.
ThS.BS.CKI Võ Dương Hương Quỳnh, Phó khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đây là hai trong số nhiều bệnh nhân cong vẹo cột sống điều trị tại viện, đa số là người làm việc văn phòng có thói quen ngồi lâu, ngồi sai tư thế nhiều năm.
Bác sĩ Quỳnh kiểm tra tình trạng chức năng cột sống cổ của người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong bất thường, đổ về phía trước hoặc phía sau (gù cột sống) và lệch sang một bên (cong cột sống). Giai đoạn đầu, bệnh thường không có dấu hiệu rõ rệt, chỉ gây đau lưng nhẹ hoặc không đau. Người bệnh không thể nhận thấy cột sống cong vẹo bằng mắt thường nên dễ bỏ qua, tiếp tục sinh hoạt sai tư thế theo thời gian, chậm khám khiến cột sống ngày càng cong vẹo hơn. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác như thoát vị đĩa đệm, chèn ép rễ thần kinh gây tê yếu chân tay, thoái hóa cột sống, gai cột sống...
"Ngồi quá nhiều khiến các cơ cạnh cột sống không ngừng gồng lên để giữ cho cột sống đúng đường cong sinh lý song gây giảm tưới máu và tăng áp lực gấp nhiều lần lên nhóm cơ cột sống", bác sĩ Quỳnh giải thích, thêm rằng lâu ngày cơ cạnh sống bị yếu dẫn đến cong vẹo cột sống. Đây là bệnh thường gặp ở người làm việc văn phòng do đặc thù công việc ngồi nhiều.
Cong vẹo cột sống mức độ nhẹ có thể cải thiện dần bằng cách điều trị bảo tồn như dùng thuốc hoặc tập vật lý trị liệu, thay đổi thói quen sinh hoạt. Trường hợp nặng, người bệnh cần phẫu thuật để lấy lại đường cong sinh lý cho cột sống, ngăn biến chứng thành các bệnh lý cơ xương khớp nghiêm trọng, ảnh hưởng hệ hô hấp do xương sườn ép vào phổi.
Anh Tú được bác sĩ chỉ định điều trị bảo tồn bằng phục hồi chức năng, kết hợp giữa các tác nhân vật lý như tia laser công suất cao, sóng xung kích, sóng radio cao tầng nhắm trúng đích... và các bài tập luyện thể chất chuyên sâu cho vùng cột sống. Sau ba liệu trình điều trị chiếu tia, anh gần như không còn đau. Tiếp theo, anh thực hiện các bài tập được thiết kế riêng dựa trên tình trạng thực tế với dàn máy tập cột sống chuyên sâu để tăng cường sức mạnh cơ bắp, kéo giãn các cơ bị co thắt và nắn chỉnh lại tình trạng cong vẹo cột sống. Nhờ đó, duy trì được hiệu quả giảm đau lâu dài, cải thiện sức mạnh, sự linh hoạt của hệ thống cơ xương khớp.
Bác sĩ phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống cổ cho chị Nhi. Kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn, giúp người bệnh phục hồi nhanh và đảm bảo tính thẩm mỹ. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ mở một đường nhỏ ở cổ, loại bỏ các cấu trúc đã hư hại và thay đĩa đệm nhân tạo vào. Sau mổ, chị Nhi có thể vận động cổ gần như bình thường, cảm giác đau tê ở vai gáy và tay giảm đáng kể. Chị tập phục hồi chức năng để tăng cường sức mạnh các cơ vùng cổ vai gáy, nắn chỉnh lại cột sống và tình trạng lệch vai.
Bác sĩ Quỳnh lưu ý cong vẹo cột sống ở nhân viên văn phòng có thể tái phát sau điều trị nếu người bệnh tiếp tục những tư thế sai. Để đảm bảo sức khỏe xương khớp, người làm văn phòng nên đứng lên đi lại sau mỗi 30-45 phút ngồi. Ngồi làm việc đúng tư thế, thẳng lưng. Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như ghế tựa phù hợp, miếng lót chuột có đệm mút... Người có các dấu hiệu bất thường dù nhỏ như đau lưng, nhức gối, mỏi vai gáy, đau cổ tay, cứng khớp ngón tay... nên đi khám để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp