Đây là một phần trong dự thảo mới nhất của Đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị TP HCM theo Nghị quyết 18 được đưa ra tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM, sáng 28/12.
Theo đó, thành phố sẽ giảm từ 21 sở xuống còn 15 sở, trong đó giữ Sở Du lịch, tỷ lệ giảm gần 30% và tiếp tục thực hiện thí điểm Sở An toàn thực phẩm theo Nghị quyết 98; 8 cơ quan hành chính giảm còn hai cơ quan hành chính; 35 đơn vị sự nghiệp giảm còn 32 đơn vị. Như vậy, so với định hướng được đưa ra trước đó, TP HCM giữ lại Sở Du lịch và An toàn thực phẩm, tức có 16 sở chuyên môn.
Sở Du lịch TP HCM được thành lập ngày 6/10/2014 trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước về du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố. Sau 10 năm hoạt động, Sở được đánh giá có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Năm nay, ngành du lịch TP HCM đóng góp 190.000 tỷ đồng vào giá trị tăng thêm của thành phố với khách quốc tế 6 triệu lượt và nội địa 38 triệu lượt.
Sở An toàn thực phẩm TP HCM được lập ngày 1/1/2024 từ mô hình thí điểm Ban quản lý An toàn thực phẩm hoạt động 7 năm qua. TP HCM là địa phương đầu tiên của cả nước có Sở An toàn thực phẩm. Theo Nghị quyết 98 được Quốc hội ban hành ngày 24/6, Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP HCM, có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Ngoài ra, sở này còn có một số chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn thành phố. Đây là những việc mà trước đó được quy định cho các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương.
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM sáng 28/12. Ảnh: Lê Tuyết
Trước đó, theo định hướng của Thành ủy TP HCM, thành phố nghiên cứu sáp nhập Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chuyển Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc; sáp nhập Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, chuyển Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được nghiên cứu sáp nhập để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường. Một số nhiệm vụ của hai sở này sẽ chuyển về các sở khác liên quan.
TP HCM chuyển Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc; Sở Thông tin và Truyền thông sáp nhập với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số; kết thúc hoạt động Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chuyển các chức năng qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao. Nghiên cứu sáp nhập Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) và Ban Dân tộc thành phố; sáp nhập Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP HCM.
Cấp huyện và tương đương, sau khi sắp xếp giảm một cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện. UBND TP Thủ Đức từ 16 phòng chuyên môn, giảm còn 14. Cơ quan, đơn vị trực thuộc ủy ban nhân dân quận, huyện từ 12 phòng chuyên môn, giảm còn 10. Đồng thời, từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị thành phố chủ động rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị; phấn đấu giảm 15% đầu mối và có lộ trình giảm biên chế theo quy định.
Lê Tuyết